Ngoài công dụng làm gia vị cho các món ăn thì gừng còn được xem là dược liệu có khả năng chữa trị nhiều loại bệnh. Trong đó, cách chữa đau răng bằng gừng được tận dụng tính cay nóng sẵn có để giảm nhanh cảm giác đau nhức răng, đồng thời trị viêm nhiễm hiệu quả. Vậy cách sử dụng loại dược liệu này ra sao, có thực sự hiệu quả không, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Các cách chữa đau răng bằng gừng
Theo Đông y, gừng có tính ấm, vị cay, có khả năng tán hàn, ôn trung, giải độc, tiêu đờm, giảm viêm, giảm đau nhanh chóng. Do đó nếu đang gặp các vấn đề về răng miệng, mà đặc biệt là chữa đau răng. Bạn có thể áp dụng một số phương pháp điều trị nhức răng bằng gừng tươi ngay tại nhà hiệu quả sau đây:
Sử dụng gừng tươi để đắp
Chúng ta có thể sử dụng trực tiếp gừng tươi để điều trị bằng cách:
- Chuẩn bị một củ gừng tươi vừa đủ, rửa sạch, cạo bỏ phần vỏ ngoài rồi đập dập cho có hơi nước.
- Đem phần gừng vừa đập dập đắp vào vùng răng nướu bị đau trong khoảng 10 – 15 phút rồi bỏ ra.
- Thực hiện đều đặn 1 – 2 lần mỗi ngày và kéo dài trong vài ngày sẽ thấy các cơn đau giảm rõ rệt, các vùng sưng, viêm nhiễm cũng dần được hồi phục.
Chúng ta có thể đắp gừng lên mặt răng trước khi đi ngủ, sau đó để qua đêm để giảm cơn đau nhức răng về đêm và đạt được hiệu quả tốt hơn. Đây là cách vô cùng đơn giản, dễ làm, có thể áp dụng được với cả trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú mà không hề gây ra các tác dụng phụ.
Nhai trực tiếp gừng tươi
Nhai trực tiếp gừng tươi được xem là cách nhanh và ít thao tác chuẩn bị nhất, nhưng thông thường ít người lựa chọn phương pháp này, bởi khi nhai gừng sẽ bị cay nóng và khá nồng. Còn nếu bạn chịu được vị của gừng tươi thì có thể thực hiện theo các bước sau:
- Chuẩn bị một củ gừng, rửa sạch, thái thành 3 – 4 lát mỏng.
- Đặt các lát gừng lên những chiếc răng đau rồi dùng răng cắn dập để lấy nước ép nguyên chất từ trong các lát gừng.
- Tiếp tục nhai nhuyễn cho tới khi miếng gừng nhạt vị. Nước gừng nguyên chất không chỉ giúp làm dịu cơn đau mà còn giúp ức chế, làm suy yếu đi các loại vi khuẩn gây hại trong khoang miệng.
- Mỗi lần nhai từ 2 – 3 lát gừng trong khoảng 10 phút, thực hiện 4 – 5 lần/ngày và giảm xuống 2 – 3 lần/ngày trong những lần tiếp theo.
- Thực hiện phương pháp này trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Uống trà gừng
Ngoài việc sử dụng gừng tươi để ngậm trực tiếp, bạn cũng có thể chế biến thành trà gừng để giảm các cơn đau nhức răng. Cách làm cụ thể như sau:
- Lấy một củ gừng, rửa sạch, cạo đi lớp vỏ bên ngoài và thái thành sợi nhỏ.
- Đem gừng vừa được thái sợi ngâm vào một lượng nước sôi vừa đủ trong khoảng 15 – 20 phút. Mục đích là để gừng tiết ra chất kháng khuẩn, kháng viêm.
- Lọc lấy phần nước trà và ngậm trong miệng khoảng 4 – 5 phút rồi nhổ ra.
- Ngoài ra còn có thể sử dụng nước trà gừng này để súc miệng hàng ngày.
- Kiên trì thực hiện liên tục từ 3 – 4 lần mỗi ngày hoặc ngậm, súc miệng sau các bữa ăn để thu được hiệu quả cao nhất.
Phương pháp này thường mang lại tác dụng chậm hơn so với cách dùng trực tiếp gừng tươi, tuy nhiên nó lại phù hợp với những ai quá khó chịu hay không chịu được mùi cay nồng của gừng. Đặc biệt, nếu uống một lượng trà gừng vừa đủ mỗi ngày có thể giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, tăng cường sức đề kháng và chống cảm cúm.
Sử dụng gừng kết hợp với tỏi
Bạn có biết, cả gừng và tỏi đều là những nguyên liệu tuyệt vời trong điều trị đau răng tại nhà. Đặc biệt, tỏi có chứa thành phần kháng sinh allicin cao, giúp chống lại và ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra còn có glucogen, allin và fitonxit có khả năng diệt khuẩn, sát trùng, chống viêm nhiễm cực kỳ tốt.
Do đó, khi kết hợp gừng và tỏi với nhau, chúng ta sẽ có được nguyên liệu chữa đau răng, chống viêm nhiễm vô cùng hiệu quả bằng cách:
- Chuẩn bị một lượng gừng và tỏi vừa đủ, loại bỏ lớp vỏ bên ngoài.
- Bỏ gừng và tỏi vào giã nhuyễn theo tỉ lệ 1:1.
- Dùng hỗn hợp này đắp lên phần răng bị đau trong khoảng 15 – 20 phút rồi bỏ ra.
Thực hiện đều đặn phương pháp này từ 1 – 2 lần mỗi ngày và liên tục trong vòng 1 tuần, các vùng viêm và cơn đau sẽ thuyên giảm rõ rệt.
Ngâm rượu gừng
Ngoài những cách kể trên thì dùng gừng để ngâm rượu là cách trị đau răng hiệu quả mà khá ít người biết đến. Tuy nhiên phương pháp này sẽ tốn nhiều thời gian chuẩn bị hơn so với 3 cách trên, đồng thời nhiều người cũng không thích vị cay nồng của rượu vậy nên tính thông dụng thường không cao.
Bạn có thể chữa đau răng bằng cách ngâm rượu gừng như sau:
- Chuẩn bị 0,5 lít rượu trắng và 2 – 3 củ gừng tươi, được rửa sạch, cạo vở và để khô ráo.
- Thái gừng thành từng lát mỏng, xếp đều vào bình thuỷ tinh rồi đổ rượu vào. Đậy kín nắp, để rượu ở nơi khô mát, ngâm trong khoảng 2 – 3 ngày là đã có thể lấy ra sử dụng.
- Dùng rượu sau khi được ngâm để ngậm trong miệng từ 3 – 4 phút, không uống, nuốt.
- Mỗi ngày ngậm khoảng 2 – 4 lần tuỳ vào mức độ đau nhức răng. Thực hiện liên tục trong vòng 1 tuần các cơn đau sẽ dần thuyên giảm.
Xem thêm: 6 thuốc giảm đau răng an toàn, hiệu quả được nhiều người sử dụng
Chữa đau răng bằng gừng có khỏi bệnh hoàn toàn?
Gừng là nguyên liệu dễ kiếm, dễ tìm và rẻ, cách trị đau răng bằng gừng tươi cũng khá đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên phương pháp này chỉ nên được coi là cách chữa tạm thời giúp giảm đau nhức, chống viêm, hỗ trợ cho quá trình điều trị các bệnh lý liên quan tới răng miệng.
Đặc biệt, gừng chỉ có tác dụng với các trường hợp đau răng nhẹ, đau răng do mọc răng, chớm sâu, viêm nướu nhẹ,… Còn đối với các trường hợp nghiêm trọng hơn, nếu dùng gừng mà không thấy tình trạng thuyên giảm đi, bạn nên tới bệnh viện hoặc các phòng khám nha khoa uy tín để được điều trị chuyên sâu.
Mặt khác, gừng chỉ có thể ức chế được một phần sự phát triển và tấn công của vi khuẩn gây sâu răng, viêm nướu,… mà không thể tiêu diệt triệt để chúng. Thậm chí nếu sử dụng sai cách hoặc quá lạm dụng thì tình trạng của bạn còn có thể chuyển biến nặng hơn.
Lưu ý khi chữa đau răng bằng gừng
Trong quá trình sử dụng gừng để điều trị tình trạng đau nhức răng tại nhà, bạn cần đặc biệt lưu ý tới một số vấn đề sau:
- Như đã đề cập tới ở trên, gừng chỉ có tác dụng giảm đau, giảm viêm, làm chậm quá trình phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng chứ không có khả năng điều trị dứt điểm nguyên nhân gây đau nhức răng. Do đó chúng ta không nên quá phụ thuộc vào phương pháp này, mà chỉ xem nó như cách hỗ trợ điều trị mà thôi.
- Gừng có tính cay nóng, vì vậy chỉ nên sử dụng một cách vừa phải, điều độ chứ không nên quá lạm dụng. Nếu bôi, đắp nhiều lần trong ngày sẽ ảnh hưởng tới lớp niêm mạc miệng, còn khi uống quá nhiều có thể gây nóng trong, nhiệt miệng, nổi mụn.
- Phương pháp này đòi hỏi sự kiên trì, thực hiện trong vài ngày cho đến 1 tuần mới có thể đạt được hiệu quả rõ ràng.
- Nếu chưa sử dụng hết củ gừng, chúng ta có thể bọc lại, để nơi khô thoáng hoặc bot trong ngăn mát tủ lạnh để sử dụng cho những lần tiếp theo.
- Lưu ý khi sử dụng với trẻ bị đau răng nhỏ bởi gừng có vị cay, nóng nên có thể khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, sợ việc điều trị đau răng.
- Gừng có mùi nồng nên sau khi điều trị xong nên súc miệng lại với nước sạch để giảm bớt mùi trong hơi thở.
Cách phòng tránh tình trạng đau nhức răng hiệu quả
Tình trạng đau nhức răng chủ yếu là do sâu răng gây ra, vì vậy để phòng tránh thì chúng ta cần đặc biệt chú ý tới việc chăm sóc vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày. Cụ thể đó là:
- Tạo thói quen vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần vào buổi sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ, đặc biệt là sau các bữa ăn.
- Sử dụng nước súc miệng chuyên dụng và chỉ nha khoa để làm sạch vụn thức ăn còn sót lại trong khoang miệng, làm sạch mảng bám và tránh hình thành cao răng.
- Sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm, kem đánh răng phù hợp, chải răng đúng cách.
- Hạn chế ăn các loại thức ăn có thành phần nhiều đường, tinh bột, khiến việc vệ sinh răng miệng khó khăn hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tích tụ, tấn công men răng.
- Tránh ăn nhai đồ ăn quá dai, cứng, tránh các tác động mạnh lên răng như gặm, cắn đồ vật cứng, khiến răng bị tác động mạnh và yếu đi.
- Không sử dụng thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung các thực phẩm giàu canxi, florua, Vitamin D,… giúp răng khỏe mạnh hơn, chống lại các tác nhân gây hại.
- Thăm khám răng định kỳ 6 tháng/lần để được làm sạch mảng bám, lấy cao răng và sớm phát hiện ra nguy cơ gây bệnh để có phương án điều trị kịp thời.
Như vậy, chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về các cách chữa đau răng bằng gừng tại nhà hiệu quả mà ai cũng có thể áp dụng và thực hiện được. Trong trường hợp cơn đau không thuyên giảm khi áp dụng phương pháp dân gian này, bạn nên tới ngay các cơ sở nha khoa uy tín để được điều trị dứt điểm, ngăn chặn cơn đau và đặc biệt là không để bệnh biến chứng nặng hơn.
Click xem ngay: